Có một Hà Giang gây thương nhớ
“Cao nguyên vẫn lặng lẽ xinh đẹp, để rồi con người luôn xáo động vì vẻ đẹp yên bình ấy!” – nơi đó là vùng đất Đông Bắc Việt Nam, một Hà Giang khí chất nho sĩ ôn hòa ẩn dật nơi cực Bắc xa xôi của tổ quốc.
Nếu đã từng đến Hà Giang dù chỉ một lần, hẳn nhiều người đã “bị” miền đất này gây thương nhớ. Những nét đẹp tự nhiên lúc giao mùa, hay cung đường đồi núi xanh tươi, từ đơn sơ đến hùng vĩ, từ hoang dại đến thơ mộng hữu tình, đến đây rồi đều da diết trong lòng. Thiên nhiên ưu ái cho Hà Giang nét đẹp quyến rũ thì con người nơi đây cũng chính vì phần ấy mà khiến người ta rung động.
Rời khỏi Hà Nội, đến với Thành phố Hà Giang xinh đẹp khi đã 20h, ngoài trời mưa bay bay nhưng vẫn không làm giảm được nét đẹp ngây thơ của dòng sông Lô huyền thoại
Có nỗi vấn vương rất đỗi nhẹ nhàng được cất riêng trong mỗi chúng ta khi cảm nhận từ con người và cuộc sống nơi đây. Bắt gặp ánh mắt trong veo miền sơn cước, hay đơn giản chỉ là cái nhoẻn miệng cười duyên của lũ trẻ, điều ấy đã khó mà dứt ra khỏi những nghĩ suy; không hẳn là nỗi buồn hay thương cảm, không phải kiểu mừng vui mà lại canh cánh trong lòng.
Đến với Hà Giang, “đặc sản” đầu tiên được nếm là những cung đường đèo núi. Thật vậy, nếu Đà Lạt thơ mộng trữ tình với thành phố ngàn hoa, một Hà Nội cổ xưa nồng nàn trong cái rét chuyển mình mùa đổ lá, thì Hà Giang luôn đậm chất Vintage và hùng vĩ với hàng chục con đèo lớn nhỏ nối tiếp nhau.
Thế đó, chúng tôi đã lên đường đến với nơi địa đầu Tổ Quốc. Viết cho hành trình tuổi trẻ của mình những trang nhật ký, về những trải nghiệm và tình cảm dành cho một điểm đến du lịch xinh đẹp vô ngần – Hà Giang “thương nhớ”!.
Chỉ một câu thôi: “Hà Giang vô cùng đẹp!”. Chúng tôi gọi Hà Giang bằng cái tên đặc quyền trìu mến – vùng đất “Đá nở hoa”. Phong cảnh thơ mộng, bình dị nhưng đậm chất tình của cao nguyên.
Chúng tôi may mắn du hý Hà Giang vào những ngày cuối tháng 11, thời điểm được coi là đẹp nhất trong năm. Miền đất cao nguyên đá đón tôi bằng những đợt rét trải dài từ nhẹ nhàng đến sắc lạnh, theo từng lát cắt khác nhau của địa hình đồi núi. Với độ cao khoảng 1.600 m (so với mực nước biển) cũng là điều dễ hiểu sao người ta lại quyến luyến cao nguyên này đến vậy.
Được ưu ái khí hậu ôn hòa rất biết cách chiều chuộng lòng người, Hà Giang dịu dàng như thiếu nữ tỏa nắng trên những triền đồi, thỉnh thoảng lại sướt mướt với vài cơn mưa phùn kéo dài. Nhiệt độ quanh năm không cao quá 24 độ C, mùa đông lạnh và có tuyết rơi vào tháng 12. Khi đặt chân đến với Hà Giang, điều đầu tiên khiến nhiều người mỹ mãn có lẽ là được “thưởng thức” cái tiết trời se lạnh tê rần các tế bào. Hà Nội, Sài Gòn, cả những thành phố ồn ào khói bụi sẽ tạm gác lại ở một góc đâu đó, để rồi chúng ta tìm thấy yên bình, được là mình hoang dại và mạnh mẽ, hoặc mỏng manh đắm chìm với sự bình dị vốn có nơi đây. Buổi sáng thức giấc cuộn tròn trong chiếc chăn dày cộm, quệt vu vơ vài đường trên cửa kính mờ sương, viết vào ấy cái tên mà bạn nhớ, hay chỉ vẽ một mặt cười ngộ nghĩnh đón chào ngày mới. Dưới ánh nắng vàng nhạt dễ chịu, cái tiết trời lạnh lẽo giao mùa thật khiến người khác “phải lòng”.
NƠI BIÊN CƯƠNG LÀ ĐÂY:
Chưa đến cột cờ Lũng Cú là chưa đến Hà Giang. Chúng tôi thẳng tiến lên cột cờ Lũng Cú để kịp đắm mình trong gió lộng đỉnh trời cực Bắc, nơi lá cờ Tổ quốc hiên ngang ngự trên đỉnh núi Rồng cao 1.700m so với mặt biển. Trải qua chặng đường dài, dù rất mệt nhưng cả đoàn ai nấy đều hăm hở leo 825 bậc thang xi măng để đến chân cột cờ, rồi tiếp tục leo 135 bậc cầu thang sắt trong lòng cột để đến được cán cờ. Nói cột cờ là điểm cực Bắc thì chưa hoàn toàn chính xác, điểm cực Bắc còn cách cột cờ khoảng 3km về phía Đông.
Hà Giang , 26 - 29/11/2020