Cách mạng công nghiệp 4.0 với Việt Nam

09:17 03/10/2018
1.120 Views
Cách mạng công nghiệp 4.0 với Việt Nam

Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Điều quan trọng với mỗi quốc gia là phải lựa chọn hướng đi phù hợp để tận dụng triệt để cơ hội đó.

Tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0

Có người cho rằng, trong điều kiện đang tiến hành công nghiệp hóa, Việt Nam nên tập trung thực hiện các nội dung của cuộc cách mạng 2.0, đến khi tạo ra đủ tiền đề vật chất mới đặt vấn đề thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0.

Cách tiếp cận đó có vẻ thực tế, nhưng không khoa học, trong điều kiện nước ta đã hội nhập sâu rộng với thế giới, đã đạt được những thành tựu to lớn, biến đổi kinh tế - xã hội của cả dân tộc, đang khát khao vươn lên từng nấc thang của quá trình phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Việt Nam đang tiến hành cuộc cách mạng 2.0, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội và cuộc cách mạng 3.0 với sự phát triển của công nghệ thông tin, tự động hóa, mạng Internet rộng khắp cả nước, đồng thời chủ động thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm tận dụng cơ hội mới để xích gần và đuổi kịp trình độ phát triển của khu vực và thế giới.

Cách mạng cộng nghiệp 4.0 tác động mạnh đến mọi ngành, lĩnh vực, mọi doanh nghiệp và người dân

Ngày 6/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về “Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, đề ra hệ thống giải pháp như phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông; cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, quản trị thông minh, lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; cơ chế tài chính thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp, thay đổi nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới.

Thu hút đầu tư theo định hướng cách mạng công nghiệp 4.0

Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải thay đổi cách tiếp cận với định hướng và chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trong khi vẫn ưu tiên thu hút FDI vào công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, dịch vụ hiện đại, kết cấu hạ tầng, thì cũng cần coi trọng công nghệ tương lai của cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo ra giá trị gia tăng lớn, như công nghệ thông tin, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (SMA), cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học.

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững, không nên thu hút thêm dự án FDI sản xuất xi măng, sắt thép, lọc hóa dầu; hạn chế bằng cách chọn lựa nhà đầu tư và công nghệ hiện đại thực hiện một số dự án nhiệt điện than, khí; đồng thời khuyến khích bằng chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn đối với các dự án điện mặt trời, điện gió, điện tái tạo và trong tương lai gần là điện thủy triều mà Việt Nam được đánh giá rất giàu tiềm năng.

Những địa phương đã có trình độ phát triển khá thì chủ yếu tiếp nhận dự án FDI vào ngành và sản phẩm có hàm lượng trí tuệ và giá trị gia tăng cao để thực hiện mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới; không tiếp nhận dự án thâm dụng lao động, dự án không thân thiện với môi trường.

Những địa phương có trình độ phát triển còn thấp cần tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại để rút ngắn khoảng cách với các trung tâm kinh tế lớn của từng vùng kinh tế, đồng thời có chính sách ưu đãi cao đối với những dự án FDI thâm dụng lao động như dệt may, da giày; tận dụng thế mạnh từ sự khác biệt của từng địa phương thu hút FDI vào dự án khai thác tiềm năng, phát triển sản phẩm và dịch vụ, du lịch của địa phương và vùng kinh tế; đồng thời tận dụng điều kiện địa lý để kết nối với các doanh nghiệp FDI ở địa phương phụ cận để thu hút FDI vào công nghệ và dịch vụ hiện đại.

Trong khi tiếp tục thu hút FDI từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới trong các ngành và lĩnh vực công nghệ cao, xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Việc Samsung (Hàn Quốc) - tập đoàn công nghiệp điện tử hàng đầu thế giới - chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất điện thoại di động, máy tính bảng, với kim ngạch xuất khẩu đạt 50 tỷ USD năm 2017, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đã minh chứng tính hấp dẫn của nước ta.

Chính sách ưu đãi FDI cần điều chỉnh theo hướng gắn với hiệu quả kinh tế - xã hội của từng dự án; chỉ những dự án thực hiện đúng định hướng ưu tiên ngành, lĩnh vực gắn với lãnh thổ thì được hưởng ưu đãi; nếu không đáp ứng đủ điều kiện thì phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Lựa chọn hướng phát triển cách mạng công nghiệp 4.0

Theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Trường đại học Cornell và Viện nghiên cứu INSTEAD công bố ngày 15/6/2017, Việt Nam được xếp hạng thứ 47/127 về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 12 bậc so với năm 2016. Trong ASEAN, Việt Nam đứng trên Thái Lan, được đánh giá có thế mạnh về đầu ra tri thức và công nghệ; chỉ số phức tạp/đa dạng của thị trường; chỉ số phức tạp/đa dạng kinh doanh; chỉ số đầu ra sáng tạo và chỉ số tăng trưởng đầu tư cho giáo dục… Thực tế, việc chuyển dịch nhanh chóng trong công nghệ thông tin, điện toán đám mây, doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp đã chứng tỏ tố chất của người Việt trong việc tiếp cận công nghệ hiện đại, thích ứng nhanh chóng với cái mới, ham học hỏi và sáng tạo.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để tiếp cận có hiệu quả cách mạng công nghiệp 4.0, cần có những nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá chính xác tác động đến từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm, làm căn cứ xây dựng chiến lược phát triển tổng thể quốc gia với mục tiêu hợp lý, hiệu quả và ít lãng phí nguồn lực. Không thể tiếp tục hô hào phát triển ồ ạt các mũi nhọn kiểu “gai mít”, mà phải biết lựa chọn những phân ngành, phân khúc thật sự có tiềm lực và thế mạnh để đầu tư có trọng điểm.

Ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) kiến nghị, Việt Nam cần chủ động tiếp cận ngay bằng những hành động cụ thể, với những thay đổi mang tính cách mạng, như kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác chuyển đổi nhanh chóng, bắt kịp làn sóng công nghệ mới. Tập trung đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới như IoT, Cloud, AI, Big Data..., với mục tiêu cao nhất là duy trì và phát triển sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh tiết kiệm hơn, nhanh hơn, thông minh hơn, chất lượng cao hơn, bảo vệ môi trường và an toàn hơn.

Việt Nam có khả năng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất và lắp ráp thiết bị, linh kiện kỹ thuật số nhằm kết hợp kỹ thuật số vào các ngành công nghiệp, giúp chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu thông qua phát triển sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Quan trọng nhất là phải xây dựng chiến lược phát triển ngành tự động hóa và công nghệ cao với cơ chế vượt trội và tầm nhìn đột phá như có công trình nghiên cứu đã gợi ý, bao gồm: hợp tác mạnh mẽ giữa khoa học công nghệ và sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong khu vực doanh nghiệp tư nhân; triển khai ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi các công nghệ mới; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ; ưu tiên tài trợ cho các tổ chức, cá nhân có thành tích khoa học công nghệ xuất sắc.

Những công trình nghiên cứu đầu tiên về cách mạng công nghiệp 4.0 đều nhấn mạnh việc lựa chọn một số phân ngành, lĩnh vực để tập trung nguồn lực phát triển, tạo tiền đề để mở rộng dần. Chẳng hạn, đối với Internet vạn vật (IoT), trong khi chưa có điều kiện xây dựng thành phố thông minh như Hàn Quốc đã làm, thì đi từ xây dựng ngôi nhà thông minh, vừa sức với trình độ công nghệ của Việt Nam, đồng thời tạo tiền đề để tiến tới xây dựng thành phố thông minh.

Nhân tố quyết định trong việc hình thành chiến lược phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ chế tập hợp chuyên gia đầu ngành trong từng ngành, lĩnh vực, bao gồm cả trí thức Việt kiều, để trao đổi nhằm lựa chọn đúng một số mục tiêu ưu tiên trong trung hạn.

Kết luận

Để tận dụng tốt cơ hội mới và vượt qua thách thức lớn trong việc thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ phải thay đổi phương thức quản lý theo hướng chính phủ kiến tạo, chính phủ hành động với các công cụ thông tin hiện đại, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện ý tưởng mới, tính sáng tạo của người dân và doanh nghiệp.

Trong khi đó, doanh nghiệp đang chứng kiến sự du nhập các công nghệ mới, đòi hỏi phải nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, trình độ công nghệ, chất lượng sản phẩm và hạ thấp chi phí để thích ứng với môi trường mới của cách mạng công nghiệp 4.0.

Tổ chức nghiên cứu khoa học và đào tạo phải thay đổi cơ bản phương thức hoạt động để thích ứng với đòi hỏi của cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao cơ sở, thiết bị nghiên cứu để đáp ứng cao nhất yêu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, coi trọng nghiên cứu ứng dụng công nghệ thế giới vào Việt Nam, gắn kết giữa nghiên cứu, đào tạo với doanh nghiệp theo cơ chế hợp tác cùng có lợi, để đưa nhanh các tiến bộ khoa học vào sản xuất và kinh doanh, khuyến khích tạo lập hệ thống vườn ươm công nghệ, các quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cuộc cách mạng cộng nghiệp 4.0 đang hiện hữu trên đất nước ta, tác động mạnh mẽ đến mọi ngành, lĩnh vực, mọi doanh nghiệp và người dân, do vậy, từ tư duy đến hành động của Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức khoa học và giáo dục, cộng đồng dân cư cần chuyển động theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội mới để xây dựng Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại.
---baodautu---
Tin Tức Liên quan